Hướng dẫn kỹ thuật

Vani là tên phổ biến của các sản phẩm từ trái của loài cây vanilla. Vanilla có xuất xứ từ đất nước Mexico, trong các khu rừng mưa nhiệt đới… Ngày nay vani đã được trồng với quy mô trang trại khắp nơi trên thế giới, những nơi này đa số có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Vì tính đa dạng trong các ngành thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, mỹ nghệ, … nên giá trị trái vani ngày càng tăng, số lượng lại giảm sút do thời tiết và một số lý do khác.

Kỹ thuật trồng Cây Vanilla thương phẩm – quy mô trang trại

Có thể nói rằng đây là loại cây trồng cao cấp vì giá trị của trái vani cũng như phương thức trồng trọt, sự khan hiếm và những bí quyết đặc biệt. Dưới đây là những kỹ thuật được khảo sát, nghiên cứu, thực nghiệm tại một số vùng miền Việt Nam ( Bắc Bộ, Tây Nguyên, Duyên hải miền trung, Tây nam bộ, Đông nam bộ ).

Điều kiện tự nhiên

  • Vùng khí hậu: nước ta có khoảng 70% khu vực có thể trồng được vanilla. Trừ một số nơi như: độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, có nhiệt độ thấp dưới 15 độ C ( thường xuyên trên 02 tháng), vùng khí hậu ô nhiễm.
  • Đất: đa số các loại đất đều trồng được vanilla ( vì rễ vanilla chỉ phát triển tốt trong giá thể trồng). Ngoại trừ đất ngập nước, đất nhiễm phèn, nhiễm mặn, đất ô nhiễm,...

Điều kiện trang trại để cây sinh trưởng tốt

  • Nguồn nước tưới: nước sạch, có độ PH từ 5.5 đến 7.5.
  • Nhà lưới: nhà dùng khung thép có thể chắc chắn, chiều cao 4m, phía trên phủ lớp lưới 1 che nắng 30%, phía dưới phủ lớp lưới 2 che nắng 50%. Nền nhà làm đất bằng phẳng, thoát nước tốt, xung quanh rào chắn bằng lưới tránh các loài vật phá hoại như: chó, gà, chim, chuột, ốc…và an ninh.
  • Giá thể trồng: Vỏ cây, gỗ xay, than gỗ, tro trấu, phân bón hữu cơ... cần phải xử lý trước khi trồng. Phải đảm bảo độ thông thoáng cho rễ, tránh giữ nước, giữ ẩm cao, và tránh các loại nấm hại. Chu kỳ bổ sung giá thể từ 02 đến 03 tháng, độ dày giá thể từ 20cm đến 30cm.
  • Độ nắng: cây vani cần ánh nắng gián tiếp thường xuyên. Tùy mùa vụ và giai đoạn sinh trưởng của cây chúng ta sẽ điều chỉnh theo các lớp lưới bên trên.
  • Trụ trồng: cây vani là loài lan thân leo, cộng sinh nên cần trụ cho cây bò theo. Trụ trồng nên dùng gỗ khô có đường kính từ 12cm, cao 1.7m, trụ cách trụ 2m.
  • Luống trồng: ngang 90cm, nên dùng gạch, ngói xây thành luống liền nhau cao 30cm. Đây là nơi để giá thể trồng vani, giữ ẩm và cung cấp dinh dưỡng cho cây
  • Lối đi: nên rãi đá sỏi nhỏ, tránh cỏ dại mọc, thuận tiện cho việc đi lại, chăm sóc và vận chuyển.
  • Hệ thống tưới nước, cách tưới: gắn các vòi tưới phun với mật độ 3mx3m. Cây vani cần môi trường có độ ẩm từ 60% đến 85% nên cần đo đếm, quan sát cây trồng, giá thể trồng để có cách tưới phù hợp nhất.

Phân bón, dinh dưỡng

1. Giai đoạn ươm giống:

Giai đoạn này thường kéo dài đến 45 ngày, nên thường xuyên kiểm tra dây giống có bị thối nhũng do các vết thương khi thao tác trồng. Luôn giữ giá thể trồng thông thoáng, không quá ẩm ướt. Đặc biệt không dùng bất kỳ loại phân thuốc nào nhằm làm cho cây thích nghi môi trường mới một cách tự nhiên và khỏe mạnh.

Biểu hiện hoàn chỉnh của giai đoạn này là cây ra rễ chính từ 20cm trong giá thể trồng, các rễ phụ bám chắc vào trụ trồng, chồi non mọc dài hơn 10cm, nếu có hai hoặc ba chồi non thì nên giữ lại một chồi non khỏe mạnh nhất.

2. Giai đoạn tăng trưởng: 

Giai đoạn này được tính sau giai đoạn ươm giống và trước giai đoạn ra hoa. Thường kéo dài từ 1,5 năm đến 02 năm. Đây là giai đoạn chính của chu kỳ sinh trưởng cây vani, cần sử dụng các loại phân bón phù hợp:

  • Phân hữu cơ (phân trùn quế, phân chuồng hoai mục, phân hữu cơ dạng viên,... 02 tháng/01 lần ).
  • Phân vô cơ (dạng NPK tổng hợp, có tỷ lệ đạm cao như 30-10-10-Bo..., chủ yếu bón qua lá).

3. Giai đoạn chuẩn bị ra hoa: 

Thời gian khoảng 02-03 tháng trước khi xử lý cơ học. Chủ yếu bón các loại phân vô cơ qua lá, thành phân Lân nhiều nhằm tăng lượng phân hoa mầm hoa ( như 10-52-17-Te,... ).

4. Giai đoạn nuôi trái: 

Khoảng 07-09 tháng trước khi thu hái trái, giai đoạn này nên bổ sung các loại chất chống rụng trái. Tăng cường khả năng nuôi trái và sử dụng dinh dưỡng tương đương giai đoạn tăng trưởng

Cách chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh

Chăm sóc: luôn giữ đọt non vani bò theo trụ, theo các hướng cây quang hợp tốt hơn. Thường xuyên hái bỏ các lá già, rễ héo, bộ phận bị hư hỏng nhằm tránh sâu bệnh trú ẩn, giúp vườn thông thoáng.

Sâu, bệnh: thường xuyên kiểm tra các bộ phận non của cây, như đọt non, rễ non thường bị sâu lông và ốc sên cắn phá, nhưng hầu như không đáng kể. Khi độ ẩm quá cao hoặc thời tiết bất thường, có thể sinh ra một số nấm bệnh, cây héo đọt, rụng lá, rụng trái, hư rễ,... Nhưng tỷ lệ thấp (khoảng 5%). Hầu như cây sẽ tự phục hồi (ra rễ, ra đọt khác). Nên giữ vườn sạch, thông thoáng, phun thuốc phòng ngừa định kỳ ( khuyến khích thuốc có nguồn gốc hữu cơ).

Tạo hoa, thụ phấn, nuôi trái:

Tạo hoa: khi cây đủ các yếu tố sau:

  • Đủ tuổi (02 đến 2,5 năm)
  • Đủ sức (dây dài từ 04m trở lên, thân chắc, rễ mạnh, lá dày, màu sắc đều đậm...)
  • Đủ chất (đã cung cấp đủ lượng Lân nhằm phân hóa mầm hoa)
  • Đủ stress (đây là điều kiện quyết định của các loại hoa lan có nguồn gốc tự nhiên để ra hoa, kết trái; như chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm cao hơn 10 độ C, lượng nước tưới thấp, ánh sáng nhiều và ngắt đọt để cây nảy mầm hoa)

Thụ phấn, nuôi trái: khi cây ra hoa nên thụ phấn trước buổi trưa, nếu không được thụ phấn cây sẽ rụng hoa. Thường mỗi ngày một chùm hoa nở khoảng 01 đến 02 hoa, một công nhân có thể thụ phấn cho hàng ngàn hoa một ngày. Khi đậu trái nên chọn lọc những trái đều, khỏe, nên giữ lại dưới 08 trái cho một chùm.

Các công cụ làm vườn:

- Thẻ đeo dây: nhằm ghi mã số quản lý từng dây trồng xuyên suốt các giai đoạn.

- Kéo cắt: dùng cắt lá hư lá già, cắt dây giống…và thu hoạch trái.

- Khăn sát trùng: nên dùng khăn sạch, tẩm cồn để lau các dụng cụ như kéo sau khi thao tác các cây bệnh, tránh lây lan sang cây khác.

- Dây cột: dây nylon màu đen.

- Bình phun phân, thuốc: bình phun dùng động cơ điện sạc, dung tích khoảng 20 lít.

- Cân tiểu ly, lọ đo lường: dùng cân đo chính xác lượng phân thuốc khi sử dụng.

- Máy đo môi trường nước: dùng kiểm tra PH nguồn nước tưới.

- Máy đo nhiệt độ, độ ẩm : kiểm tra môi trường vườn.

- Que thụ phấn, thẻ thụ phấn: thao tác thụ phấn và đánh dấu.

- Sổ tay quản lý vườn: ghi chép tất cả các hoạt động vườn như : xuống giống, bón phân, phun thuốc, cây bệnh, thụ phấn, nuôi trái